I.
LỜI
NGUYỆN ĐẦU
Chúa mến thương trần thế tội sầu
Đành hy sinh nhận lấy cái chết khổ
đau
Và giờ đây Chúa đã sống lại khải
hoàn
Chiếu sáng ánh quang nhiệm mầu
Xóa hết những nỗi buồn đau.
Nếu chúng ta cùng chết với Người
Cùng hy sinh nhận lấy thánh giá khổ
đau
Thì rồi đây cũng sẽ sống lại với
Người
Đấng lấy máu chuộc nhận loại
Thoát chốn tối tăm lầm than
Chúa đã sống lại, trần hoàn ơi nào
ca vui
Chúa sống lại rồi, để dựng xây cuộc
sống mới.
(trích
lời bài hát Chúa Đã Sống Lại – Đỗ Vy Hạ)
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng
con thờ lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì hồng ân cứu độ và sự sống mới Chúa
dành cho chúng con. Chúa đã hy sinh chịu chết để chúng con được chết đi cho tội
lỗi. Chúa đã sống lại vinh quang để chúng con được bước vào sự sống mới. Xin
cho sức mạnh từ sự phục sinh của Ngài biến đổi cuộc sống của chúng con cách
cương quyết, can đảm và bền bỉ hơn để chúng con dám sống cho cuộc sống mới, cuộc
sống mà Chúa đã dủng cái chết để đổi lấy.
Hát
CTT: Sách CTT 36 câu 1
II.
LỜI
CHÚA VÀ SUY NIỆM
Xin mời cộng đoàn đứng cùng công bố
Lời Chúa: Ga 20, 1-9
Xin mời cộng đoàn ngồi
“Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh
em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội;
chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Tội lỗi của chúng ta, chính Người
đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội,
chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh
em đã được chữa lành” (1Pr 2, 21-24). Chúa Giê-su đã mang lấy vết thương tội lỗi
của chúng ta để chúng ta được chữa lành trong sự sống mới; đã “mặc cho thân xác
hư nát của chúng ta sự bất diệt, đã mặc cho cái thân phải chết của chúng ta sự
bất tử” (1Cr 15, 53), vì vậy giờ đây, cuộc sống mà chúng ta đang sống, suy
nghĩ, tư tưởng, lời nói hành động không còn là của chúng ta nữa nhưng thuộc về Đức
Ki-tô, như thánh Phao-lô nói: “Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người, để những
ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống
lại vì mình” (2Cr 5,15). Chính cuộc sống của chúng ta thể hiện niềm tin của
chúng ta. “Nếu Đức Ki-tô không chỗi dậy thì lời rao giảng và niềm tin của chúng
ta trống rỗng” (1 Cr 15, 14). Cũng vậy, nếu đời sống của chúng ta không thể hiện
được sự biến đổi thì chẳng khác nào chúng ta thể hiện rằng mình không tin Đức
Ki-tô đã phục sinh. Đã đến lúc chúng ta tỉnh giấc, đã đến lúc chúng ta trỗi dậy
và để cho sức sống phục sinh của Ngài lan truyền trong từng mạch máu, trong từng
nhịp đập của con tim, trong từng suy nghĩ và trong từng hành động của chúng ta.
“Chính khi chúng ta mang trong mình cuộc thương khó của Đức Giê-su và chết cho thân
xác mình là lúc chúng ta đang biểu lộ sự sống của Ngài” (2Cr 4, 10-11). “Hãy
kiên tâm bền chí và ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết
rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của chúng ta sẽ không trở nên vô ích” (1Cr
15,58), mà công việc của Thiên Chúa ở đây lúc này chính là mời gọi chúng ta ở lại
trong ân sủng và sự sống mới của Người nơi Đức Ki-tô, “ân sủng Người ban tặng
cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Gl 1,6). “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà
chúng ta được cứu độ, được cùng sống lại với Đức Ki-tô: đây không phải bởi sức
chúng ta, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không bởi việc chúng ta làm, để
chúng ta khỏi phải hãnh diện. Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, được dựng
nên trong Đức Ki-tô, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn
bị cho chúng ta” (Ep 2, 8-10). Một khi đã cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa
tuyệt vời và phong phú đến như vậy, chúng ta có dám cởi bỏ con người cũ với nếp
sống cũ, để mặc lấy con người mới công chính và thánh thiện trong Đức Ki-tô hay
không? (thinh lặng).
Hát:
Chúa sống trong tôi TCCĐ 126 câu 1+2+3+4
Những môn đệ đầu tiên nhìn thấy
ngôi mộ trống đã tin “Ông đã thấy và đã tin” vào Kinh Thánh, tin vào sự phục
sinh của Chúa Giê-su. Niềm tin ấy đã làm cho Mười Hai con người trở thành những
người có sức mạnh biến đổi cả thế giới. Niềm tin làm cho Phê-rô, một người sợ
hãi chối bỏ Thầy mình trước một đứa tỳ nữ trở thành một người làm cho
Gierusalem ngập tràn giáo lý về Đức Ki-tô, và dõng dạc tuyên bố trước thượng hội
đồng là “phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Một niềm
tin đã làm cho Giacobe, trước đó còn muốn ngồi bên hữu hay bên tả Thầy giờ đây
trở thành người đầu tiên tử đạo vì Thầy. Niềm tin đã làm cho Tephano trong khi
bị ném đá nhìn thấy được vinh quang Thiên Chúa và xin ơn tha thứ cho những người
bách hại mình. Cũng chính niềm tin đó làm cho Saolo, một người nhiệt thành
trong việc bắt bớ đạo trở thành một người nhiệt thành trong các hành trình rao
giảng Tin Mừng Đức Ki-tô cho dân ngoại. Sự kiện Chúa Giê-su phục sinh đã trở
thành cốt lõi của niềm tin Ki-tô giáo, đã mang lại sự biến đổi nơi cuộc sống của
các Tông Đồ. Phải chăng cuộc sống của tôi chưa được biến đổi là vì niềm tin của
tôi chưa thực sự đặt trên nền tảng là sự phục sinh của Chúa Giê-su? Vậy nó đang
được đặt trên điều gì? (thinh lặng)
Chúng ta đã được học biết, đã được chỉ dạy, thậm
chí đã được kinh nghiệm, nhưng dường như niềm tin đó vẫn còn quá mong manh. Bởi
vì đã bao mùa phục sinh đã đến và đã đi mà dường như cuộc sống của chúng ta vẫn
chưa đi vào một sự biến đổi thực sự. Thấp thoáng đâu đó là những quyết tâm, những
nỗ lực nhưng rồi vẫn vướng mắc vào đường xưa lối cũ. Và rồi liệu rằng chúng ta
có để cho phục sinh năm nay cũng qua đi mà không để lại gì? Chúng ta, hãy sống
như thánh Phao-lô mời gọi “Hãy đánh thức chính mình. Hãy chạy tới, khao khát chiếm
đoạt. Hãy quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước”. Phàm là tay
đua phải kiêng kỵ đủ điều. Chúng ta phải kiêng kỵ những gì không thuộc về lối sống
của Đức Ki-tô, những gì không diễn tả được sức sống của Ngài, những gì không
làm gia tăng niềm tin của chúng ta vào sự phục sinh của Ngài.. Trong Tông Huấn
Đức Ki-tô Sống, Đức Thánh Cha Phanxico đã kêu gọi rằng: “chúng ta phải dám khác
biệt,dám chỉ ra những lý tưởng khác với lý tưởng của thế gian, dám bày tỏ vẻ đẹp
của lòng quảng đại, sự phục vụ, sự trong sạch, sự kiên nhẫn, sự vị tha, sự
trung thành trong ơn gọi cá nhân của mình, trong lời cầu nguyện, trong sự theo
đuổi sự công chính và điều thiện, trong tình yêu dành cho người nghèo và cộng đồng
nhân loại” bởi vì Đức Ki-tô đang sống trong chúng ta. Ngài cũng nói thêm với những
người trẻ rằng: “Nếu các con đang trong những năm tháng tuổi trẻ, nhưng cảm thấy
yếu đuối, tan vỡ, kiệt sức, hãy xin Chúa Giê-su ơn hồi sức. Với Ngài, hy vọng sẽ
không bao giờ tàn lụi. Cũng hãy làm như thế nếu các con cảm thấy quá sức vì những
thói hư tật xấu, thói ích kỷ và những quãng đời sa ngã. Chúa Giê-su, Đấng tràn
đầy sự sống, muốn giúp các con biến tuổi trẻ của mình trở nên đáng giá.” Vì
“Chúa Giê-su đã sống lại để dựng xây cuộc sống mới” chứ không phải để duy trì lối
sống cũ.
Hát:
Hoan ca Phục Sinh TC5 125 câu 1, 2, 4
Hát:
cầu cho ĐTC/ lời nguyện
Hát
CTT: Sách CTT trg. 36 câu 2
III.
LỜI
NGUYỆN KẾT
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế, dù Mẹ
đã đau khổ đến tột cùng khi nhìn thấy Con Yêu Dấu chết trên thập giá, nhưng Mẹ
vẫn giữ được niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Lời hứa mà Mẹ đã dùng tiếng
xin vâng để đáp lại. Xin Mẹ giúp chúng con có thêm lòng tin và niềm xác tín vào
sự phục sinh của Đức Ki-tô, để sức sống mới của Ngài có sức biến đổi cuộc đời
chúng con. Amen
Hát:
Trong tình yêu Mẹ - Sách TC2 câu 1
Tập
sinh Ter Phương Thùy
Dòng
Đức Bà Truyền Giáo
Nhận xét
Đăng nhận xét